Thân thế Vinh_phi_(Khang_Hy)

Nhập cung sớm

Mã Giai thị không rõ sinh năm nào và gia thế ra sao, bà là con gái của Viên ngoại lang Cái Sơn (盖山). Tuy nhiên, căn cứ Khởi cư chú triều Ung Chính ghi lại: ["Mã Nhĩ Tái là hậu duệ huân thần, thần tử trụ cột quốc gia, lại là thân thuộc mẫu tộc Doãn Chỉ"; 馬爾賽乃勳舊之後,國家柱石之臣,又係允祉母黨之親。]. Đại thần Mã Nhĩ Tái, Mã Giai thị, người Mãn Châu Chính Hoàng kỳ, cháu của Đại học sĩ, Tam đẳng công Đồ Hải. Vì câu "là thân thuộc mẫu tộc Doãn Chỉ", có thể thấy rằng Mã Giai thị cùng Mã Nhĩ Tái là cùng tộc, do đó có thể xem bà thuộc Mãn Châu Chính Hoàng kỳ. Tuy không để lại năm sinh, song Mã Giai thị có lẽ có độ tuổi khá tương đương với Khang Hi Đế, và nhiều khả năng được nuôi dạy trong cung. Khi đến tuổi sinh nở, bà liền trở thành Thứ phi, hầu cận Khang Hi Đế.

Năm Khang Hi thứ 6 (1667), ngày 20 tháng 9, Mã Giai thị sinh hạ Hoàng trưởng tử Thừa Thụy (承瑞), là con đầu lòng của Khang Hi Đế lúc đó mới 14 tuổi. Khoảng 3 năm sau, Thừa Thụy bệnh chết. Năm Khang Hi thứ 10 (1671), ngày 25 tháng 12, Mã Giai thị sinh hạ Hoàng tử thứ 4 Tái Âm Sát Hồn (赛音察浑), là Hoàng tử duy nhất của Khang Hi có tên Mông Cổ. Năm thứ 12 (1673), ngày 6 tháng 5, bà sinh hạ Hoàng tam nữ, tức Cố Luân Vinh Hiến Công chúa. Năm sau, Tái Âm Sát Hồn mắc bệnh qua đời khi chỉ mới 4 tuổi. Cùng năm, ngày 6 tháng 4, Mã Giai thị sinh hạ Hoàng lục tử Trường Hoa (长华) nhưng đứa trẻ chết yểu. Năm thứ 14 (1675), ngày 21 tháng 6, bà tiếp tục sinh Hoàng bát tử Trường Sinh (长生). Năm thứ 16 (1677), ngày 20 tháng 2, Mã Giai thị lâm bồn lần cuối, sinh ra Hoàng tử Dận Chỉ (Hoàng tử thứ 3 trong số những người con trưởng thành của Khang Hy Đế).

Tổng cộng, Mã Giai thị trải qua 6 lần sinh nở, 5 trai 1 gái, không chỉ là phi tần sinh sớm nhất, mà còn sinh nhiều con nhất cho Khang Hi đế. Tuy nhiên, 4 trong số 6 người con của bà đều chết yểu.

Được phong tước

Năm thứ 16 (1677), Khang Hi Đế chế định cung giai, đại phong hậu cung. Tháng 8, Thị lang Mã Lạp (马喇) cầm cờ tiết tuyên chỉ, Mã Giai thị được sắc phong làm Vinh tần (榮嫔). Vào lúc đó, địa vị của Mã Giai thị dưới An tần Lý thị, Kính tần Vương Giai thị và Đoan tần Đổng thị, lại cao hơn Huệ tần Na Lạp thị, Nghi tần Quách Lạc La thị và Hi tần Hách Xá Lí thị. Dù số lượng quy định chỉ 6 người cùng lúc, song vào thời điểm này hậu cung Khang Hi lại có tổng cộng 7 vị Tần[2].

Năm Khang Hi thứ 20 (1681), định phong Quý phi Đông thị làm Hoàng quý phi, còn có Tứ phi, gồm Đức tần Ô Nhã thị, Huệ tần Na Lạp thị và Nghi tần Quách Lạc La thị thụ tấn lên Phi[3]. Ngày 20 tháng 12, lấy Thị lang Dương Chính Trung (杨正中) cầm cờ tiết tuyên chỉ, Vinh tần Mã Giai thị được tấn phong Vinh phi (榮妃).

Sách văn viết:

朕惟治本齐家、茂衍六宫之庆。职宜佐内、备资四德之贤。恪恭久效于闺闱。升序用光以纶綍。咨尔荣嫔马佳氏。柔嘉成性。淑慎持躬。动谐珩佩之和、克娴于礼。敬凛夙宵之节、靡懈于勤。兹仰承太皇太后慈谕、以册印、进封尔为荣妃。尔其祗膺晋秩、副象服之有加。懋赞坤仪,迓鸿庥之方至。钦哉。

.

Trẫm duy trị bổn tề gia, mậu diễn lục cung chi khánh. Chức nghi tá nội, bị tư tứ đức chi hiền. Khác cung cửu hiệu vu khuê vi. Thăng tự dụng quang dĩ luân phất.

Tư nhĩ Vinh tần Mã Giai thị. Nhu gia thành tính. Thục thận trì cung. Động hài hành bội chi hòa, khắc nhàn vu lễ. Kính lẫm túc tiêu chi tiết, mĩ giải vu cần. Tư ngưỡng thừa Thái hoàng thái hậu từ dụ, dĩ sách ấn, tiến phong nhĩ vi Vinh phi.

Nhĩ kỳ chi ưng tấn trật, phó tượng phục chi hữu gia. Mậu tán khôn nghi, nhạ hồng hưu chi phương chí. Khâm tai.

— Sách văn Vinh phi

Lúc này trong Tứ phi trình tự đã thay đổi. Địa vị của Vinh phi giảm xuống thấp nhất, xếp dưới Huệ phi, Nghi phi và Đức phi. Về sau, có Hòa phi Qua Nhĩ Giai thị và Tuyên phi Bát Nhĩ Tế Cẩm thị được tấn phong thì thứ tự của Vinh phi lại ở trên họ.

Năm Ung Chính thứ 5 (1727), ngày 6 tháng 3 (âm lịch), Vinh phi Mã Giai thị qua đời, không rõ bao nhiêu tuổi. Ngày 4 tháng 12, nhập táng Cảnh lăng (景陵), Phi viên tẩm trong Thanh Đông lăng.